Khai thác là khâu đầu tiên của quy trình triển khai một sản phẩm bảo hiểm, đóng vai trò tiền đề và là cơ sở cho toàn bộ quá trình kinh doanh sản phẩm bảo hiểm đó. Giải quyết nguyên tắc cơ bản nhất trong kinh tế bảo hiểm, đó là nguyên tắc “số đông bù số ít”, khai thác có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của toàn bộ Công ty nói chung và từng nghiệp vụ nói riêng vì chỉ có khai thác được một số lượng lớn hợp đồng cùng với số phí bảo hiểm lớn thì mới tạo lập được quỹ tài chính tập trung đủ lớn để bồi thường hoặc chi trả khi có thiệt hại phát sinh, ngoài ra còn trang trải được các chi phí hoạt động và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hiệu quả của khai thác được đánh giá thông qua chỉ tiêu số lượng Đơn bảo hiểm ký được, số phí bảo hiểm thu được, và một số chỉ tiêu khác.
Đối với nghiệp vụ mới như BHTNNN KTS & KSTV thì khai thác lại càng có ý nghĩa vì khai thác là nền móng của một nghiệp vụ bảo hiểm. Nếu không có khách hàng nào mua bảo hiểm thì đối tượng chịu tác động của hai khâu còn lại cũng không thể có. Điều đó có nghĩa là sản phẩm được bày bán ra nhưng không có ai mua, như thế sản phẩm sẽ không có chỗ đứng trên thị trường và không thể tồn tại.
Theo sự quản lý của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Bảo Việt Hà Nội thời gian này được phép thực hiện ký kết các hợp đồng BHTN KTS và KSTV có giá trị không quá lớn. Cụ thể, những đối tượng sau đây không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm thuộc phân cấp tại Bảo Việt Hà Nội: doanh nghiệp có tổng doanh thu phí tư vấn, thiết kế một năm trên 10 tỷ đồng; doanh nghiệp hành nghề thiết kế tư vấn có số lượng cán bộ quản lý, các chuyên gia kỹ thuật trên 40 người, doanh nghiệp hành nghề thiết kế và tư vấn 100% vốn nước ngoài, hoặc các dự án 100% vốn nước ngoài muốn tham gia BHTN KTS và KSTV nhưng theo mẫu đơn bảo hiểm của nước ngoài.