Những vấn đề chung về bảo hiểm thương mại và bảo hiểm phi nhân thọ

1. Khái niệm và nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm thương mại

a) Khái niệm: Có rất nhiều cách khái niệm về BHTM.Tùy thuộc vào quan niệm của từng lĩnh vực mà các khái niệm có một số điểm khác nhau:

– Theo ủy ban thuật ngữ bảo hiểm của Hiệp hội bảo hiểm và rủi ro Hoa kỳ thì: Bảo hiểm là việc tập trung các tổn thất bất ngờ bằng việc chuyển giao những rủi ro gây ra chúng cho những người bảo hiểm khi họ cam kết bồi thường cho những tổn thất này, cung cấp các quyền lợi bằng tiền khác khi tổn thất xảy ra, hoặc cung cấp các dịch vụ liên quan đến rủi ro.

– Theo Hiệp hội các nhà bảo hiểm Anh thì: Bảo hiểm là sự thỏa thuận, qua đó một bên ( Người bảo hiểm) cam kết sẽ thanh toán cho bên kia ( Người được bảo hiểm hay người tham gia bảo hiểm), một khoản tiền nếu có sự cố xảy ra gây tổn thất về tài chính cho Người được bảo hiểm. Trách nhiệm thanh toán những tổn thất này được chuyển giao từ Người tham gia bảo hiểm đến Người bảo hiểm. Để chấp nhận trách nhiệm thanh toán này, Người bảo hiểm đòi Người được bảo hiểm một khoản tiền đó là phí bảo hiểm.

– Một cách toàn diện hơn người Pháp cho rằng: Bảo hiểm là một hoạt động, thông qua đó một cá hay một tổ chức có quyền được hưởng bồi thường hoặc chi trả nếu rủi ro xảy ra, nhờ vào khoản đóng góp cho mình hay cho người khác.

b) Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm thương mại

*) Nguyên tắc số đông bù số ít: KDBH là việc người BH tìm kiếm lợi ích kinh tế dựa trên cơ sở hợp đồng BH, mà theo đó đổi lấy phí BH, người BH cam kết thực hiện bồi thường, hoặc trả tiền BH cho người được BH khi có sự kiện BH xảy ra. Khoản tiền bồi thường hay chi trả này thường lớn hơn gấp nhiều lần so với khoản phí BH mà các DNBH nhận được. 

*) Nguyên tắc rủi ro có thể được bảo hiểm: Về nguyên tắc, những rủi ro có thể được BH là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được và những nguyên nhân gây ra rủi ro phải là khách quan và không cố ý. Vì vậy, các DNBH thường không nhận BH cho các trường hợp tổn thất gây ra do hành vi cố ý của người tham gia BH (ví dụ cố ý tự tử), những tổn thất đã xảy ra, hoặc chắc chắn sẽ xảy ra ( ví dụ hao mòn tự nhiên, giảm giá trị thương mại..), hay những tổn thất bởi người tham gia BH vi phạm nghiêm trọng pháp luật…

*)Nguyên tắc phân tán rủi ro: Các DNBH có chức năng huy động và thành lập quỹ BH trên cơ sở sự đóng góp của nhiều người. Đây là một quỹ tài chính lớn và dùng để thực hiện cam kết bồi thường và chi trả BH. Tuy nhiên các DNBH cũng phải đối mặt với những tổn thất có thể rất lớn mà không phải lúc nào DNBH cũng đảm bảo được khả năng thanh toán ( có thể thấy điều này ở các DNBH có qui mô nhỏ, hoặc mới thành lập). 

*) Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: Nguyên tắc này đòi hỏi các DNBH phải có trách nhiệm cân nhắc các điều kiện điều khoản để soạn thảo hợp đồng đảm bảo cho quyền lợi của hai bên. Sản phẩm cung cấp của nhà BH là sản phẩm dịch vụ và là sản phẩm “vô hình”. Người mua chỉ có trong tay một hợp đồng, một cam kết chứ không hề có một sản phẩm cụ thể. Vì vậy, chất lượng sản phẩm có được đảm bảo hay không, quyền lợi của người mua có được đầy đủ công bằng hay không…đều chủ yếu dựa vào sự trung thực từ phía các DNBH. 

*) Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: Nguyên tắc này yêu cầu người tham gia BH phải có một số quan hệ với đối tượng tham gia BH và được pháp luật công nhận. Mối quan hệ có thể biểu hiện qua quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản và quyền nghĩa vụ nuôi,cấp dưỡng đối với đối tượng được BH. Nguyên tắc này nhằm loại bỏ khả năng BH cho tài sản của người khác, hoặc cố tình gây thiệt hại nhằm thu lợi từ một hợp đồng BH. Ngoài các nguyên tắc cơ bản trên, còn có một số nguyên tắc đó là nguyên tắc bồi thường, nguyên tắc khoán…áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.