Đánh giá chung về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam

1. Những kết quả đã đạt được: Từ năm 1994 đến nay, hệ thống pháp lý trong lĩnh vực KDBH từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với các chuẩn mực Quốc tế. Một số văn bản pháp luật đáng chú ý nhất là: năm 2000 Quốc hội ban hành Luật KDBH, năm 2001 Chính phủ ban hành Nghị định về qui định chế độ tài chính đối với các DNBH, năm 2003 là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, và cũng năm 2003 Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển TTBH Việt Nam đến 2010… Để tăng cường quản lý nhà nước về KDBH, năm 2003 Bộ tài chính đã quyết định thành lập Vụ bảo hiểm, và cũng đã ban hành hệ thống các chỉ tiêu giám sát các DNBH, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và mở cửa TTBH. Do có được hành lang pháp lý cơ bản trên, TTBH phi nhân thọ Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt như: Qui mô thị trường phát triển, đa dạng hoá các hình thức sở hữu trong KDBH, năng lực tài chính của các DNBH, được từng bước nâng lên. TTBH trong nước đã thực sự cạnh tranh khốc liệt. Số lượng DNBH, số lượng sản phẩm BH, doanh thu và tỷ trọng doanh thu phí BH trong GDP không ngừng tăng. Các DNBH phi nhân thọ đã góp phần ổn định đời sống, kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển. Đồng thời đã tạo lập nguồn vốn đáng kể cho đầu tư phát triển KT-XH và đã bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Những tồn tại hạn chế: Tuy những bước tiến đáng kể, song TTBH phi nhân thọ Việt Nam phát triển chưa toàn diện, chưa cơ bản, chưa ổn định, đặc biệt là năng lực cạnh tranh khi bước vào hội nhập còn rất yếu cụ thể: Hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ. Chính sách bảo hộ các DNBH trong nước và hoạt động của các công ty BH chuyên ngành đã làm chia cắt thị trường và làm yếu đi tính cạnh tranh.Trong thời gian tới, khi phải thực hiện các cam kết Quốc tế về tự do hóa các dịch vụ tài chính trong đó có BH và thực hiện các cam kết của WTO, thì các rào cản này bị xóa bỏ thì các DNBH trong nước sẽ đứng trước một thách thức rất lớn. Qui mô của TTBH còn nhỏ, nhiều tiềm năng của thị trường chưa khai thác hết, các sản phẩm BH chưa đa dạng, trình độ dân trí về BH còn thấp, năng lực của các DNBH PNT còn nhiều hạn chế (năng lực tài chính, trình độ và công nghệ quản lý, năng lực cạnh tranh, năng lực tái BH).Hoạt động môi giới BH kém phát triển, hiệu quả đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH còn thấp.Vai trò là tổ chức trung gian tài chính trong thị trường tài chính chưa rõ rệt.

3 Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, nhưng nguyên nhân cơ bản là hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng về BH còn yếu. Các yếu tố của thị trường nói chung và TTBH nói riêng chưa thực sự đầy đủ. Năng lực tài chính của các DNBH còn rất hạn chế kéo theo các năng lực khác cũng còn yếu trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tóm lại, trong những năm qua, TTBH phi nhân thọ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc ổn định và thúc đẩy nền KT-XH tăng trưởng. Đạt được những kết quả trên là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với su thế phát triển chung và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời là những nỗ lực phấn đấu đáng ghi nhận của các DNBH phi nhân thọ Việt Nam .Tuy nhiên, so với tiềm năng thực tế và yêu cầu phát triển nền KT-XH trong điều kiện mở cửa, hội nhập thì BH phi nhân thọ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải có một định hướng chiến lược và có những giải pháp cụ thể, nhằm tạo ra bước đột phá trong thời gian tới