Đại lí bảo hiểm ở Việt Nam thường tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian, hiệu quả công việc không cao. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đại lý làm việc toàn thời gian, nhân viên tư vấn bảo hiểm vì thế được ký hợp đồng lao động và được hưởng lương cơ bản theo mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, về bản chất, thu nhập chủ yếu của họ vẫn đến từ hoa hồng bán bảo hiểm nhưng có lương cứng, họ được bảo đảm phần nào về thu nhập để tiếp tục công việc. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhân viên tư vấn bảo hiểm là người tạo ra doanh thu chính cho các đại lý nhưng không có lương cố định, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội từ công ty…, ngoài tiền hoa hồng khi bán được bảo hiểm. Do đó, dẫn đến tình trạng “nhảy việc”, chuyển việc trong ngành này đến mức báo động Công tác tuyển dụng thường sơ sài, chưa được chú trọng, trình độ, chất lượng nhân viên tư vấn không cao, dẫn đến tình trạng đại lí làm ăn kém hiệu quả. Yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm thấp, thời gian đào tạo ngắn, việc cấp bằng đơn giản khiến chất lượng đại lý vì thế không tương xứng với số lượng. Cơ chế mở và thoáng nhưng đối lập với nó là tình trạng cạnh tranh gay gắt khiến cho nhiều đại lý không chịu nổi sức cạnh tranh, buộc phải đóng cửa.
Chi phí đối với kênh dành cho đại lý cũng cao hơn so với các chi phí khác. Ngoài chi phí hoa hồng cho đại lý, các công ty bảo hiểm còn phải chịu các chi phí về đào tạo và giám sát đại lý. Nếu công ty bảo hiểm không làm tốt việc đào tạo và giảm sát các đại lý có thể dẫn đến tình trạng các đại lý cung cấp không đủ hoặc cung cấp sai thông tin về sản phẩm cho khách hàng hoăc các đại lý có thể tiến hành các hoạt động gian lận gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty bảo hiểm. Có thể nói, uy tín của các đại lý bảo hiểm, đặc biệt là các đại lý trực thuộc công ty bảo hiểm thì gắn liền với danh tiếng của công ty bảo hiểm.
Có những bất lợi trong bán bảo hiểm qua mạng lưới đại lý cá nhân hơn là đại lý tổ chức. Các công ty bảo hiểm sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn để xây dựng và duy trì mạng lưới, hệ thống phải đơn giản, việc tổng hợp số liệu và chức năng giám sát phải do công ty bảo hiểm thực hiện, các công ty bảo hiểm cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ của cá nhân đại lý và bảo vệ công ty khỏi gian lận, rủi ro. Các nhân tố này hợp lại sẽ làm tăng chi phí cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
Chính sách chạy theo doanh số của đại lí bảo hiểm đôi khi cũng gây ra khó khăn cho công ty bảo hiểm, tình trạng cấu kết, trục lợi bảo hiểm giữa đại lí và người tham gia bảo hiểm vẫn còn. Hậu quả là không những công ty bảo hiểm mất khách hàng mà còn phải tốn kém chi phí đền bù thiệt hại, kiện cáo… Cũng chính vì những rủi ro có thể xảy ra đó, lòng tin giữa đại lí và doanh nghiệp bảo hiểm không được đảm bảo, từ đó làm giảm những tác dụng tích cực mà đại lí bảo hiểm thường mang lại.