Các rủi ro được bảo hiểm Theo Quy tắc bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt, rủi ro được bảo hiểm gồm có:
A. Hoả hoạn (do nổ hay do nguyên nhân khác) Cháy: Mọi thiệt hại gây ra do cháy đều được bồi thường, trừ những thiệt hại do: – Nổ do ảnh hưởng của cháy – Động đất hoặc lửa ngầm dưới đất – Bản thân tài sản bị phá huỷ hay hư hỏng do tự lên men, toả nhiệt hay do quá trình xử lý bằng nhiệt. Lấy ví dụ: Vào một ngày rất nóng, trong một nhà kho chứa đầy các thùng nho, một thùng nho đã bị lên men và toả nhiệt làm hỏng các thùng nho khác bên cạnh. Điểm loại trừ trên rõ ràng được áp dụng cho thùng nho đầu tiên bởi vì nó tự động lên men, tuy nhiên sẽ không được áp dụng cho các thùng nho bên cạnh. Sét: Là tác động trực tiếp của tia chớp vào tài sản được bảo hiểm. Chỉ có thiệt hại trực tiếp do sét gây ra mới được bảo hiểm bồi thường
Ví dụ: sét đánh vào một trạm biến thế, làm cho dòng điện tăng, giảm đột ngột dẫn đến hỏng các thiết bị điện. Trong trường hợp này, biến thế bị tổn thất do tác động trực tiếp của sét gây ra nên được bồi thường. Còn các thiết bị điện bị hỏng không phải do tác động trực tiếp của sét nên không được bồi thường. Nổ: Là hiện tượng cháy cực nhanh tạo ra và giải phóng một áp lực lớn kèm theo một tiếng động mạnh phát sinh từ sự giãn nở nhanh, mạnh của các chất lỏng, chất rắn hay chất khí. Trong rủi ro này, chỉ bảo hiểm các trường hợp: – Nổ nồi hơi phục vụ sinh hoạt – Hơi đốt phục vụ sinh hoạt, thắp sáng hay sưởi ấm trong nhà – Những thiệt hại do phương tiện hoặc biện pháp cứu chữa gây ra – Những thiệt hại về mặt tài sản do mất cắp trong khi hoả hoạn mà người bảo hiểm không chứng minh được là mất cắp.
B. Nổ: Người bảo hiểm sẽ bồi thường mọi thiệt hại từ nổ trừ việc nổ nồi hơi phục vụ sinh hoạt.
C. Máy bay hay phương tiện hàng không hoặc các thiết bị trên các phương tiện đó rơi vào làm cho tài sản được bảo hiểm bị thiệt hại.
D. Bãi công, đình công, bế xưởng, bạo động, nổi loạn hoặc hành động của những người tham gia các cuộc gây rối lao động hay những người có ác ý không mang tính chất chính trị. (Dù có hoả hoạn hay không có hoả hoạn cũng đều được bồi thường). Loại trừ tài sản bị: – Mất mát hay hư hại do tịch thu, phá huỷ, hoặc trưng dụng theo lệnh của Chính phủ hoặc nhà cầm quyền. – Mất mát hay hư hại do ngừng công việc.
E. Động đất: mọi thiệt hại do động đất gây ra đều được bồi thường, cho dù động đất có gây hoả hoạn hay không.
F. Lửa ngầm dưới đất: mọi thiệt hại do lửa ngầm dưới đất gây ra (dù có hoả hoạn hay không) đều được bảo hiểm bồi thường.
G. Cháy mà nguyên nhân duy nhất là do tài sản tự lên men, toả nhiệt hay bốc cháy.
Giông tố, bão lụt: mọi thiệt hại tài sản được bảo hiểm do giông tố, bão lụt gây ra đều được bồi thường dù có hoả hoạn hay không, nhưng loại trừ: – Tài sản bị phá huỷ hay hư hại do sương muối, sụt lở đất. – Hàng rào, cổng ngõ và các động sản ngoài trời bị phá huỷ hay hư hại.
I. Vỡ hay tràn nước từ các bể chứa hay ống dẫn nhưng loại trừ việc tràn nước ttừ những hệ thống ống dẫn tự động phục vụ cho công tác chữa cháy.
J. Xe cộ hay súc vật sống không thuộc quyền sở hữu hay quyền kiểm soát của người được bảo hiểm hay của người làm thuê cho họ đâm vào tài sản được bảo hiểm làm tài sản đó bị thiệt hại đều được bồi thường.
K. Nước rò rỉ từ các đường ống dẫn đặt sẵn phục vụ công tác cứu hoả. Khi mua bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt thì rủi ro A là rủi ro bắt buộc, còn các rủi ro từ B đến K là các rủi ro phụ kèm theo rủi ro A. Tuỳ từng đối tượng bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm lựa chọn thêm một hoặc một số rủi ro phụ nằm trong phạm vi từ B đến K để tham gia kèm với rủi ro hoả hoạn.