Thời kỳ độc quyền triển khai chính thức

Bộ Y Tế đã ban hành chỉ thị số 05/BHYT/CT ngày 26/08/1992 để triển khai thực hiện chính sách BHYT và thành lập cơ quan BHYT các tỉnh, quận huyện từ trung ương đến địa phương. Đến 31/12/1992 đã hoàn thành đề án BHYT tại 38 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Theo số liệu lưu thì cuối năm 1993 có 3.474.000 đối tượng BHYT bắt buộc, 326.000 đối tượng BHYT tự nguyện tham gia và thu được 112.000 triệu đồng.

Sau một năm thực hiện chính sách BHYT thì hệ thống các văn bản pháp quy, các quy trình thu BHYT, quản lý về tài chính, thu BHYT và nghiệp vụ về BHYT được đổi mới để thích ứng hơn; Tuy nhiên vẫn còn nhiều tổ chức trốn nộp BHYT với nhiều hình thức như thay đổi thu nhập thực tế, làm hợp đồng lao động giả để trốn đóng,…gây ảnh hưởng đến chính sách BHYT nói riêng và chính sách quản lý của nhà nước nói chung, ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động và toàn xã hội. Những đối tượng tham gia chủ yếu là người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, cán bộ xã phường,..còn đối tượng lao động làm việc trong đơn vị ngoài quốc doanh hạn chế, trốn đóng là phổ biến. Cuối năm 1993 và 9 tháng đầu năm 1994 đối tượng tham gia BHYT tự nguyện rất hạn hẹp. Để mở rộng đối tượng này vào ngày 19/09/1994 thì liên bộ Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/TTLB hướng dẫn thực hiện BHYT tự nguyện cho học sinh. Nội dung chính là thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường phổ thông, đại học,…

Đến năm 1994 BHYT đã phủ khắp từ Trung ương đến địa phương gồm các cơ quan BHYT tại 53 tỉnh thành phố và 4 BHYT các ngành Giao thông, Dầu khí, Than, Cao su.

Năm 1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 28/CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng, người kháng chiến, người có công với cách mạng. Trong năm này BHYT đã đưa được xuống các bệnh viện để phục vụ trực tiếp cho người lao động, chính sách BHYT bắt buộc đã có bước khởi sắc nhưng BHYT tự nguyện thực hiện rất khó khăn do khả năng tham gia hạn chế của các tầng lớp dân cư, sự tuyên truyền về chính sách này rất kém, chỉ là sự tự nguyện của các trường đại học, phổ thông và do cơ chế cho hai loại hình bảo hiểm này chưa tách biệt được, còn nhập nhằng chưa rõ ràng.