Quan hệ bảo hiểm với quỹ tín dụng

Tín dụng là khâu quan trọng trong hệ thống tài chính. Quỹ tín dụng được tạo lập bằng cách huy động các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức kinh tế, vốn tự có và sử dụng để cho vay, đầu tư chứng khoán, trả lãi theo nguyên tắc hoàn trả có thời hạn và có lợi tức.

Cơ chế quản lý tài chính của BHXH cho phép BHXH Việt Nam được thực hiện các hoạt động bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Trong thời gian nhàn rỗi chưa sử dụng đến, quỹ BHXH được phép cho các Ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng chính sách vay; mua trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu công trái của Kho bạc Nhà nước và của các Ngân hàng thương mại Nhà nước.

Trong quá trình vận động của mình với mục đích cho vay, quỹ BHXH đã trở thành một trong những nguồn vốn huy động tạo lập nên quỹ tín dụng nhằm cung ứng một cách linh hoạt nhu cầu vốn ngày càng nhiều cho các hoạt động kinh tế, xã hội. Đồng thời, sau một thời gian sử dụng tiền của quỹ BHXH, các tổ chức tín dụng phải trả cho quỹ BHXH khoản tiền lãi theo thỏa thuận và lúc này tiền lại ra khỏi Quỹ tín dụng để tạo lập Quỹ BHXH. Quan hệ này cứ lặp đi lặp lại tạo nên mối quan hệ khăng khít và quay vòng giữa Quỹ BHXH và Quỹ tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cũng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo Điều lệ BHXH vì vậy hàng tháng, từ Quỹ tín dụng này một lượng tiền nhất định sẽ được rút ra để nộp BHXH, BHYT cho chính những lao động đang làm việc trực tiếp trong các tổ chức tín dụng. Khoản tiền trích nộp từ các tổ chức tín dụng này đã chuyển dịch sang quỹ BHXH để tạo lập quỹ.

Hơn nữa, Quỹ BHXH lại tác động một cách gián tiếp với các khâu tài chính khác thông qua thị trường tài chính. Khi tiền của Quỹ BHXH trở thành nguồn tài chính của Quỹ tín dụng, nó sẽ hòa chung vào luồng tiền tệ khác để tham gia vào hoạt động tín dụng. Nó sẽ được sử dụng để cho NSNN, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, hộ gia đình vay… trở thành nguồn thu tạm thời của NSNN, nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn kinh doanh của các hộ gia đình, khi đó Quỹ BHXH đã gián tiếp hình thành nên Quỹ tiền tệ ở các khâu tài chính khác.

Như vậy Quỹ BHXH trong thời gian tạm thời nhãn rỗi đã được tham gia vào quan hệ tín dụng trên thị trường một cách linh hoạt giống như một Quỹ tín dụng nhằm giải quyết tình trạng thiếu vốn cho các khâu tài chính khác góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển.